Nhận thức về môi trường và đưa ra phương pháp phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thể thao golf hiện đại. Thế nhưng trong quá khứ cách đây khoảng 200 năm thì sao? Liệu một môn thể thao diễn ra ngoài trời và cần không gian rộng lớn như golf có phải vốn luôn mang tính bền vững, thân thiện môi trường ngay từ ban đầu? Mặc dù golf của những năm 1800 có thể không mang nhận thức về môi trường như ngày nay, nhưng một số khía cạnh nguyên thủy của môn thể thao này đã “vô tình” phù hợp hoạt động phát triển bền vững đến bất ngờ.
Thiết kế sân tự nhiên
Trong những năm 1800, các sân golf đã được thiết kế để hài hòa với môi trường tự nhiên xung quanh. Không giống như sân golf hiện đại có thể yêu cầu cảnh quan rộng lớn và di chuyển nhiều đất đai để phù hợp thiết kế, sân golf thời xưa thường được bố trí trên địa hình gồ ghề, kết hợp đồi núi, thung lũng, và chướng ngại vật tự nhiên. Cách tiếp cận tối giản với thiết kế sân như này đã tối thiểu hóa tác động đến môi trường và bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan.
Hoạt động bảo trì có tính hữu cơ
Công việc duy trì sân golf ở thế kỷ 19 đòi hỏi sự khéo léo và tháo vát. Không được tiếp cận với các loại phân bón, thuốc trừ sâu, và thuốc diệt cỏ hiện đại, những người đóng vai trò greenkeeper phải dựa vào các phương pháp hữu cơ để chăm sóc thảm cỏ. Họ thường chăn thả cừu để chúng gặm cỏ, giữ cho cỏ được gọn gàng và khỏe mạnh mà không cần máy cắt cỏ. Hơn nữa, các loại phân bón tự nhiên như phân hữu cơ và phân chuồng cũng đã được sử dụng để nuôi dưỡng đất, thúc đẩy sự sinh trưởng tươi tốt, bền vững.
Sử dụng nước hạn chế
Tiết kiệm nước được coi là ưu tiên hàng đầu trên các sân golf thời kỳ đầu vì sự hạn chế của hệ thống tưới tiêu. Thay vì dựa vào hệ thống tưới nước bao phủ rộng khắp, các nhà thiết kế sân đã bố trí sân một cách chiến lược gần các nguồn nước tự nhiên như sông, suối hoặc lạch. Các golfer khi ấy cũng được khuyến khích chơi trong thời gian có mưa nhằm đảm bảo sân luôn đủ nước mà không tiêu thụ quá nhiều nước tưới.
Văn hóa đi bộ
Hiển nhiên, golf chủ yếu là môn thể thao đi bộ trong những năm 1800. Người chơi đã di chuyển khắp nơi trên sân bằng chính đôi chân của họ, tận hưởng không khí trong lành và cảnh quan thiên nhiên trên đường đi. Nhấn mạnh hoạt động đi bộ không chỉ giúp tăng cường thể lực mà còn giảm thiểu lượng khí thải carbon liên quan đến các phương tiện vận tải cơ giới. Ngoài ra, người chơi còn có thể tận dụng cơ hội để hòa mình với thiên nhiên, hình thành sự trân trọng sâu sắc với môi trường.
Trang bị bền vững
Trang bị golf thời đó chủ yếu được chế tạo từ các chất liệu tự nhiên như gỗ, da và lông vũ. Các cây gậy đã có phần cán làm bằng gỗ mại châu, trong khi các quả bóng thì được làm từ lông vũ cuốn chặt bọc trong vỏ da. Những chất liệu này có khả năng phân hủy sinh học và tính bền vững, không giống như các trang bị golf hiện đại thường chứa nhiều chất liệu tổng hợp mà có thể mất hàng thế kỷ để phân hủy.
Bảo tồn môi trường sống hoang dã
Các sân golf trong những năm 1800 đã đóng vai trò thiên đường hoang dã, cung cấp môi trường sống cho nhiều loài thực vật và động vật. Các nhà thiết kế sân đã góp công bảo tồn các môi trường sống tự nhiên như vùng đất ngập nước, rừng cây, và đồng cỏ, nhận thức được tầm quan trọng cho hệ sinh thái của chúng. Với các golfer, họ đã được tận mắt quan sát sinh vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, qua đó sản sinh cảm giác trách nhiệm trông coi vùng đất.
Kết nối cộng đồng
Golf luôn là môn thể thao gây dựng sự gắn kết cộng đồng và trách nhiệm xã hội. Ở thế kỷ 19, các câu lạc bộ golf thường tổ chức những nỗ lực bảo tồn như trồng cây, phục hồi môi trường sống, và sáng kiến dọn dẹp. Những hoạt động này không chỉ làm tăng vẻ đẹp tự nhiên của sân mà còn nâng cao nhận thức về môi trường trong số các thành viên câu lạc bộ và cộng đồng rộng hơn.